Dù loại hình Phù là gì thì khi chế tạo nó, tính linh nghiệm của sản phẩm có được là nhờ công lực của người làm nó tụ vào theo nguyên lý “ý đáo, khí đáo, lực đáo”(ý nghĩ đến, khí đến, lực đến). Điều này được giải thích như sau: Khi ta tập trung suy nghĩ để làm việc nào đó thì từ trên vũ trụ sẽ có một dòng Khí (không thể nhìn thấy bằng mắt thường, mà chỉ bằng mắt thần) xoáy vào huyệt Bách hội ở đỉnh đầu, rồi lan tỏa khắp cơ thể, tạo thành một công lực để giúp ta làm việc đó.
Vì vậy tính linh nghiệm của Phù phụ thuộc vào mức công lực của người tạo ra nó. Đặc biệt đối với Phù chữ viết thì điều này càng thể hiện rõ: Khi một người viết một Phù chữ viết (có thể viết lên giấy, lên đá, lên đồ đồng…) thì ý nghĩ của người viết sẽ truyền năng lượng Khí vào nét chữ với một công lực nhất định. Nói cách khác, viết chữ là tích Khí vào Phù, hay là yểm lực vào Phù. Vì vậy sản phẩm Phù này sẽ có công hiệu trong một thời gian nhất định. Tuỳ theo mức công lực của người viết Phù, sản phẩm của họ có thể linh nghiệm khoảng vài tháng đến hàng chục năm hoặc lâu hơn. Nếu sản phẩm Phù lại được kích hoạt (linh hóa) theo một phương pháp nhất định thì thời gian linh nghiệm của nó có thể rất lâu dài. Điều đó cho thấy khi sử dụng Phù thì phải tìm người chế tác có công lực càng cao càng tốt. Công lực ở đây không phải là thần bí, mà là kết quả công phu luyện công. Các nhà khí công hay các thiền sư, qua rèn luyện công phu, họ có thể phát khí lực khá mạnh. Nếu họ viết Phù thì Phù sẽ có công hiệu cao. Cần nhớ rằng, mọi Phù chỉ có công lực khi người viết có tâm thiện, và làm việc này không vì một tham vọng cá nhân nào cho mình. Đối với các Phù trạm khắc đá, người trạm khắc có thể hoàn toàn không có công lực gì. Sản phẩm của họ làm ra đơn thuần chỉ là một sản phẩm hàng hóa trạm khắc đá. Muốn có công lực theo mong muốn cần có thêm một công đoạn tạo công lực cho nó. Đó là: người có công lực phải tự tay viết lại trên đường nét trạm khắc của sản phẩm cùng với tâm ý định dùng cho việc gì. Hoặc thực hiện một công đoạn kích hoạt (linh hóa) Phù. Khi đó công hiệu của Phù hiệu sẽ được truyền từ tay người viết theo nguyên lý “ý đáo, khí đáo, lực đáo”, hay được án sức mạnh từ việc linh hóa. Ta gọi đây là công đoạn tạo công lực cho sản phẩm, hay là công đoạn kích hoạt sản phẩm. Án sức mạnh của sản phẩm phụ thuộc vào thang bậc công lực của người viết Phù và linh hóa Phù. Các Phù tranh vẽ và Phù giấy vẽ có thể được người làm Phù vẽ bằng tay trên giấy hay vẽ trên máy vi tính. Dù khi vẽ bằng tay hay bằng máy vi tính thì công lực của người làm cũng vẫn truyền vào Phù. Tuy nhiên nếu vẽ trực tiếp bằng tay thì công lực được truyền trực tiếp vào nét vẽ hay nét chữ nên Phù có công hiệu ngay. Còn khi vẽ bằng máy vi tính thì công lực truyền qua máy, lại phải qua công đoạn in ra, nên có bị ảnh hưởng. Phù này cần có thêm công đoạn kích hoạt sản phẩm sau khi in. Người làm Phù sẽ biết phải kích hoạt như thế nào.
Kích hoạt Phù : Kích hoạt, hay còn gọi là Linh hóa Phù, là một công đoạn cần thiết để nâng cao khả năng hoạt động của Phù. Người chế tạo Phù có công quyền năng cao thì khi Phù được vẽ ra tự nó đã có được công lực mà không cần kích hoạt. Tuy nhiên nếu có thêm công đoạn kích hoạt thì Phù sẽ hoạt động mạnh và bền hơn. Đổi với những người có phương pháp tốt trong chế tạo Phù, nhưng công quyền năng thấp thì công đoạn kích hoạt Phù là không thể thiếu được. Theo Côn Luân pháp thì tất cả phù chú trước khi làm cần phải qua nghi lễ tụng niệm với các lời Chú nghiên bút khá phức tạp, tức là niệm chú trước khi làm Phù. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tác giả, nếu Phù làm xong rồi mới kích hoạt (linh hóa) để án sức mạnh của Trời Phật vào Phù, tức là linh hóa sau khi làm Phù, thì Phù cũng rất linh nghiệm. Nhất là trong thời đại ngày nay, việc vẽ Phù thường làm trên máy vi tính, nên càng không thể kích hoạt bút nghiên trước khi làm Phù.
Có thể tiến hành kích hoạt Phù như sau: – Kích hoạt Phù sau khi Phù được vẽ bằng tay trên giấy; – Kích hoạt Phù sau khi in Phù trên giấy (qua máy tính hoặc máy in chuyên dụng, có màu hoặc đen trắng); – Kích hoạt Phù sau công đoạn trạm khắc cho các Phù trạm khắc đá hoặc các chất liệu trạm khắc khác; – Kích hoạt Phù sau công đoạn đúc và hoàn thiện cho các Phù là sản phẩm đúc; – Kích hoạt các Phù là sản phẩm gốm sau khi nung; – Kích hoạt trực tiếp các Phù ghi trong USB. Trong trường hợp này thì USB đã được kích hoạt có thể coi là bản gốc, tất cả các Phù được in ra từ USB này, qua máy vi tính, sẽ không cần phải kích hoạt nữa.
Kích hoạt (linh hóa) Phù là một công đoạn không thể thiếu để Phù có tính linh, hoạt động theo chức năng của Phù (Phù trấn trạch, hay hộ thân, hay cầu tài …). Nói dễ hiểu thì ngay cả khi ta chế tạo xong một tượng Phật hay tượng Thần Tiên ta cũng phải có một lễ “Hô Thần nhập tượng” thì khi đó tượng mới linh. Đó chính là công đoạn linh hóa Phù tượng.
Màu mực và màu giấy in Phù: Màu mực vẽ, viết hoặc in có thể là màu đen, màu đỏ hoặc hỗn hợp nhiều màu. Ta gọi chung là màu của Phù. Giấy in có thể có các màu khác nhau, gọi là màu của Nền. Giữa màu của Phù và màu của Nền nên có quan hệ ngũ Hành tưomg sinh. Hành của các màu như sau: – Màu xanh hành Mộc – Màu đỏ hành Hỏa – Màu trắng hành Kim – Màu vàng hành Thổ – Màu đen hành Thủy
Hành của màu Nền phải sinh cho màu của Phù mới tốt. Hoặc màu của Phù khắc màu của Nền cũng tốt. Nền khắc Phù hoặc Phù sinh cho Nền (bị tiết khí) đều là xấu. Thí dụ: Phù vẽ màu đen (Thủy) thì nên in trên giấy màu trắng (Kim) để được Kim sinh Thủy, hoặc in trên giấy màu đỏ (Hỏa) để được Thủy khắc Hỏa là tốt. Nếu in trên giấy màu xanh (Mộc) Phù sẽ bị tiết khí (Thủy sinh Mộc) là không tốt, hoặc in trên giấy màu vàng (Thổ) thì Nền sẽ khắc Phù (Thổ khắc Thủy) cũng không tốt.
Nền của Phù có thể chọn như sau : – Màu trắng: khi làm Phù trấn trạch, hộ thân, trừ tà, giải kết. – Màu vàng (hoàng kim); khi làm Phù cầu tài, cát tường. – Màu đỏ: khi làm Phù hòa giải tình cảm, hòa hiệp… – Màu lam đậm: khi làm Phù mang tính hàng phục, điều khiển. Trong sách này tác giả chỉ giới thiệu công dụng và phương thức hoạt động của một số Phù nhân tạo thường dùng trong việc cải thiện môi trường Khí trong nhà, an toàn nơi ở, hộ thân, mưu cầu và chữa bệnh.